Mỗi khi có xe tới đăng kiểm, đăng kiểm viên sẽ lên cabin kiểm tra xem chủ xe có bỏ tiền vào hộc đựng đồ, bao thuốc lá... không. Nếu có, các đăng kiểm viên sẽ bật đèn ra hiệu cho nhau biết để bỏ qua lỗi của phương tiện.
Ngày 29/7, phiên xét xử 254 bị cáo trong vụ sai phạm tại Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo tại Trung tâm Đăng kiểm 50-05V.
Theo cáo buộc, để có tiền hối lộ cho lãnh đạo Cục Đăng kiểm và tăng thu nhập cho các nhân viên, bị cáo Nguyễn Đình Quân (Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-05V) đã đưa ra chủ trương cho phép các đăng kiểm viên ở cơ sở An Phú Đông (quận 12, TPHCM) và chi nhánh Hồng Hà (quận Tân Bình, TPHCM), nhận hối lộ của chủ phương tiện.
Theo phân công, đăng kiểm viên phụ trách công đoạn 1 sẽ lên cabin kiểm tra xem chủ xe có bỏ tiền vào vị trí như: cần gạt số, hộc đựng đồ hay trong bao thuốc lá để trên cabin không. Nếu có, đăng kiểm viên sẽ bật đèn ra hiệu cho nhau biết để quá trình kiểm định bỏ qua lỗi không đạt tiêu chuẩn của phương tiện.
Trường hợp trên xe không có tiền, các đăng kiểm viên sẽ kiểm tra kỹ và ghi nhận tất cả các lỗi, in phiếu kiểm định lần 1 “không đạt” và yêu cầu chủ xe phải khắc phục các lỗi này mới cho kiểm định lại lần 2. Vì vậy, các chủ phương tiện buộc phải liên hệ lại với đăng kiểm viên để đưa hối lộ từ 150-500 nghìn đồng.
Tiền hối lộ nhận được sẽ tổng hợp đến cuối ngày rồi chia theo tỉ lệ quy định.
Theo kết quả điều tra, từ năm 2014 đến tháng 11/2022, trung tâm này đã nhận hối lộ của các chủ phương tiện gần 40 tỷ đồng. Trong đó, bị cáo Nguyễn Đình Quân được chia 2,4 tỷ đồng. Sau đó, Quân đem hối lộ cho cựu Cục trưởng Trần Kỳ Hình hơn 1,4 tỷ đồng và Đặng Việt Hà hơn 180 triệu đồng.
Tại phiên tòa, bị cáo Quân khai, biết rõ hành vi nhận hối lộ của các đăng kiểm viên nhưng làm ngơ. “Bị cáo để nhân viên làm, một phần là để anh em kiếm thêm thu nhập, phần để trung tâm có tiền trang trải hoạt động”, lời bị cáo Quân.
Tuy nhiên, Quân phủ nhận việc chỉ đạo cho nhân viên nhận hối lộ của chủ phương tiện cũng như việc ăn chia số tiền nhận được. Quân cho rằng, các đăng kiểm viên tự nhận tiền của chủ phương tiện rồi tự đưa lại cho mình. Quân thừa nhận biết số tiền này là do các chủ phương tiện bồi dưỡng cho các thuộc cấp.
Trái ngược với lời khai của bị cáo Quân, các thuộc cấp khai, việc nhận tiền hối lộ của chủ phương tiện là thực hiện theo chỉ đạo của Quân.
Sau khi bị cáo Quân nghỉ hưu, bị cáo Trần Anh Tú lên phụ trách. Tại tòa, Tú khai, khi bị cáo về trung tâm thì hành vi nhận tiền của các đăng kiểm viên đã diễn ra trước đó. Hơn nữa, khi đó cơ sở ở An Phú Đông sắp hết hạn hợp đồng thuê còn bên chi nhánh Hồng Hà thì chủ mặt bằng yêu cầu tăng giá nên trung tâm cũng gặp áp lực về mặt tài chính. Vì vậy, bị cáo đã làm ngơ cho hành vi sai trái đang diễn ra.
Viện kiểm sát lý giải về cách tính số tiền nhận hối lộ của các bị cáo
Tại phiên tòa, các bị cáo đề nghị HĐXX tính toán lại số tiền được hưởng lợi và số tiền nhận hối lộ của trung tâm, bởi nó liên quan tới trách nhiệm hình sự của các bị cáo. Nhiều bị cáo tỏ ra thắc mắc không biết cách tính số tiền nhận hối lộ của Trung tâm 50-05V là như thế nào.
Đại diện VKS lý giải, việc nhận hối lộ diễn ra hàng ngày, hàng tuần, cộng lại dẫn đến số tiền lớn và cơ quan điều tra, VKS không thể tự nghĩ ra được số liệu này.
Theo đại diện VKS, số liệu mà cáo trạng quy kết đối với các bị cáo là dựa vào những số liệu thu thập được ở các trung tâm đăng kiểm. Trường hợp nào có sai sót, có điều chỉnh, VKS đã có đính chính.
Vị đại diện VKS khẳng định, nếu như tại phiên tòa, các bị cáo không có tài liệu, chứng cứ để chứng minh mà chỉ suy đoán, đề nghị xem xét chung chung thì VKS chưa có căn cứ xem xét.
Về lý do vì sao quy kết các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự chung về số tiền nhận hối lộ, theo đại diện VKS, sau khi nhận tiền của các chủ xe, các đăng kiêm viên đã góp chung vào rồi chia nhau. Vì vậy, tất cả các bị cáo khi đã bị quy kết trách nhiệm hình sự đều phải chịu trách nhiệm chung về số tiền mà các bị cáo khác nhận. Còn trách nhiệm cụ thể đối với số tiền hưởng lợi đối với từng bị cáo, cáo trạng cũng đã nêu rõ với từng người.