Theo HOSE, Xây dựng Hòa Bình của ông Lê Viết Hải rơi vào trường hợp hủy niêm yết bắt buộc do lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp. Tuy nhiên, doanh nghiệp này vừa có báo cáo quý 2 với những con số nỗ lực để xoay chiều.
Lỗ lũy kế 3.240 tỷ đồng, bị hủy niêm yết bắt buộc
Chiều muộn 26/7, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) có văn bản gửi CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) do ông Lê Viết Hải làm chủ tịch, thông báo HBC rơi vào trường hợp hủy niêm yết bắt buộc và Sở sẽ thực hiện hủy niêm yết đối với cổ phiếu HBC theo quy định.
Gần đây, cổ phiếu HBC có xu hướng giảm, 6/10 phiên gần nhất giảm giá. Tới cuối phiên 26/7, mã HBC có thị giá 7.250 đồng/cp, thấp hơn rất nhiều so với mức 28.000 đồng/cp hồi cuối năm 2021. Cuộc chiến trong nội bộ cùng với kết quả kinh doanh ảm đạm của công ty nói riêng lẫn ngành xây dựng nói chung khi thị trường bất động sản trầm lắng được cho là nguyên nhân khiến cổ phiếu HBC giảm giá.
Theo HOSE, báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán hợp nhất năm 2023 của HBC cho thấy, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tới cuối năm 2023 là âm 3.240 tỷ đồng, vượt quá số vốn điều lệ thực góp của HBC (là 2.741 tỷ đồng).
Khoản lỗ ròng hơn 1.111 tỷ đồng trong năm 2023 (tăng 333 tỷ đồng so với báo cáo tự lập) khiến lỗ lũy kế của Xây dựng Hòa Bình tăng vọt và dẫn tới nguy cơ hủy niêm yết nói trên.
Bên cạnh đó, đơn vị kiểm toán đã đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với BCTC năm 2023 của HBC. Theo đó, cơ sở của ý kiến ngoại trừ là HBC đang trong quá trình làm các thủ tục đảm bảo cho một số khoản tạm ứng để bổ sung các bằng chứng thích hợp về giá trị có thể thu hồi.
Tính đến thời điểm phát hành báo cáo, công việc này vẫn chưa hoàn thành, do đó đơn vị kiểm toán chưa thể xác định được có cần phải điều chỉnh các chỉ tiêu trên BCTC theo các khoản tạm ứng hay không.
Đơn vị kiểm toán cũng chưa thể thu thập được đầy đủ các thư xác nhận về những số dư nợ phải thu, nợ phải trả tại ngày 31/12/2023 và 31/12/2022. Phải thu ngắn hạn vào cuối năm 2023 là 2.897 tỷ đồng và cuối năm 2022 là 2.706 tỷ đồng.
Do đặc thù hoạt động kinh doanh, HBC đang ghi nhận doanh thu hoạt động xây lắp căn cứ theo khối lượng do giám sát của chủ đầu tư xác nhận và đơn giá hợp đồng vì HBC cho rằng doanh thu này được ước tính một cách đáng tin cậy. Tuy nhiên, các hợp đồng xây dựng quy định nhà thầu được thanh toán theo giá trị khối lượng thực hiện do khách hàng xác nhận. Theo đó, doanh thu được ghi nhận phải có xác nhận của chủ đầu tư trên chứng chỉ thanh toán và thể hiện trên các hóa đơn tài chính. Dù vậy, tính đến thời điểm phát hành báo cáo, đơn vị kiểm toán vẫn chưa có đủ thông tin để xác định ảnh hưởng của vấn đề này đến BCTC.
Bên cạnh ý kiến ngoại trừ, đơn vị kiểm toán còn đưa ra vấn đề cần nhấn mạnh đối với BCTC 2023 của HBC.
Cụ thể, tại ngày 31/12/2023, HBC có khoản lỗ lũy kế hơn 3.240 tỷ đồng và một số khoản nợ quá hạn thanh toán. Đơn vị kiểm toán cho rằng đây là những dấu hiệu cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của HBC. Tuy nhiên, BCTC hợp nhất vẫn được ban tổng giám đốc lập dựa trên cơ sở hoạt động liên tục.
Cú đảo chiều 'phút chót' hay là sự khởi đầu mới?
Văn bản thông báo về việc sẽ thực hiện hủy niêm yết đối với cổ phiếu HBC theo quy định của HOSE được đưa ra hôm qua (26/7), khoảng 9 ngày sau khi Xây dựng Hòa Bình công bố báo cáo tài chính quý II/2024 với lợi nhuận cao nhất lịch sử hoạt động.
Theo đó, trong quý II/2024, HBC lãi sau thuế hơn 684 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 268 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng HBC lãi 740 tỷ đồng, qua đó kéo lỗ lũy kế đến cuối tháng 6 vừa qua chỉ còn âm 2.498 tỷ đồng.
Cùng với đó, tính tới cuối quý II, HBC ghi nhận vốn đầu tư của chủ sở hữu lên 3.472 tỷ đồng nhờ phát hành thêm và niêm yết 73 triệu cổ phiếu hoán đổi nợ cho các chủ nợ gồm nhà cung cấp, nhà thầu phụ, nhà sản xuất của công ty (tăng từ mức 2.741 tỷ đồng hồi đầu năm 2024).
Như vậy, tính tới cuối quý II, lỗ lũy kế của HBC là 2.498 tỷ đồng, đã thấp hơn rất nhiều so với vốn điều lệ mới (3.472 tỷ đồng).
Nếu chiếu theo con số mới, HBC sẽ không còn thuộc diện bị hủy niêm yết bắt buộc.
Tuy nhiên, việc HOSE ra thông báo là dựa trên báo cáo tài chính kiểm toán (năm 2023) và việc hủy niêm yết là theo quy định (Nghị định 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ). Số liệu của HBC tính tới cuối quý II là báo cáo công ty tự lập.
Bên cạnh đó, có thể thấy, cú bứt phá ghi nhận lợi nhuận của HBC cũng đáng lưu ý. Lợi nhuận kỷ lục trong quý II vừa qua của HBC chủ yếu nhờ hoàn nhập dự phòng và thanh lý tài sản. Trên thực tế, doanh thu thuần quý II của HBC giảm 5% so với cùng kỳ còn 2.160 tỷ đồng. Giá vốn trong khi đó tăng, khiến lãi gộp giảm 74% xuống còn 99,8 tỷ đồng.
Sở dĩ HBC lãi đậm trong quý II là nhờ hoạt động tài chính và khoản hoàn nhập dự phòng. Doanh thu tài chính trong quý II của HBC tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ lên 46,2 tỷ đồng, trong đó có 19 tỷ đồng lãi bán các khoản đầu tư.
Bên cạnh đó, HBC được hoàn nhập hơn 220 tỷ đồng chi phí quản lý trong quý II/2024. Cùng kỳ năm trước, HBC ghi nhận chi phí doanh nghiệp gần 528 tỷ đồng.
Xây dựng Hòa Bình cũng bất ngờ ghi nhận lợi nhuận khác trong quý II đạt gần 515 tỷ đồng, so với mức 839 triệu đồng cùng kỳ. Khoản này chủ yếu đến từ hoạt động thanh lý, nhượng bán tài sản cố định.
Trước đó, tính tới cuối năm 2023, theo báo cáo tài chính hợp nhất, HBC có vốn chủ sở hữu chỉ hơn 93 tỷ đồng (tới cuối quý II/2024 đã tăng lên 1.567 tỷ đồng). Sau đó, ông Lê Viết Hải cho biết con số này là do áp dụng chuẩn mực kế toán Việt Nam theo quan điểm rất thận trọng và con số này khá xa với thực tế.
Theo tính toán của khối tài chính kế toán của Hòa Bình, con số cao hơn rất nhiều so với số trong báo cáo tài chính kiểm toán.
Báo cáo quản trị của HBC lập luận rằng, sự chênh lệch là do: giá các bất động sản được định theo giá thị trường, trong khi báo cáo tài chính kiểm toán được ghi nhận theo giá gốc (tức theo giá mua ban đầu); giá trị còn lại của máy móc thiết bị được ghi nhận trong báo cáo tài chính kiểm toán không phù hợp với khấu hao thực tế; việc trích lập dự phòng các khoản phải thu…